google.com, pub-7833193869067146, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Thuế suất gạo và các sản phẩm nông nghiệp

Thuế suất gạo và các sản phẩm nông nghiệp.

Thuế suất thuế GTGT của gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác đều được nhiều người quan tâm. Vì thế tui viết bài này nhằm cung cấp thêm thông tin để mọi người kinh doanh mặt hàng nông, lâm, ngư nghiệp hiểu rõ hơn.

Thuế suất thuế GTGT đã được cơ quan chức năng ban hành từ rất lâu. Có rất nhiều cơ quan thuế đã trả lời thắc mắc cho các doanh nghiệp. Đến thời điểm này tui phải nói là rất nhiều công văn trả lời. Nhưng có một điểm chung của các công văn trả lời là copy nội dung trên thông tư. Cụ thể là copy nội dung thông tư rồi so sách với thắc mắc của doanh nghiệp và đưa ra kết luận. Đối với những loại trả lời như thế thì doanh nghiệp thắc mắc rất thỏa mãn. Đối với các doanh nghiệp khác có sản phẩm tương tự có áp dụng được không. Tình huống có thay đổi 1 chút thì cách áp dụng sẽ ra sao. Liệu người nộp thuế khác có áp dụng được như những doanh nghiệp kia không.

Rốt cuộc trong đầu họ thấy vẫn rối – chính vì rối mà họ mới đi tìm lời giải đáp và tui sẽ phân tích từng tiêu chí cho dễ hiểu nha.

Giả sử tui chia sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp nói chung và gạo nói riêng ra các loại tiêu chí như sau:

Tiêu chí trạng thái sản phẩm:

 

1- Sản phẩm chưa qua chế biến hay chỉ qua sơ chế thông thường (thế nào là sơ chế thông thường xem tại đây) 

2- Sản phẩm đã qua chế biến (thành phần và cấu trúc của sản phẩm đã bị thay đổi so với trạng thái ban đầu)

Ở bài này tui cho rằng Quí vị chỉ tập trung quan tâm đến trạng thái thứ nhất đó là sản phẩm chưa qua chế biến.

Tiêu chí thứ 2 mà Quí vị bối rối, bùng nhùng đó là tiêu chí loại hình doanh nghiệp:

Loại hình doanh nghiệp

Tui tạm chia ra 2 loại hình doanh nghiệp đó là:

1- Loại 1: là loại khai thuế theo phương pháp khấu trừ (tên gọi này đối với những người khai thuế thì rất quen thuộc). Nói một cách đơn giản là nếu như khi mua hàng hóa, dịch vụ mà có dòng thuế suất thuế GTGT là: 0%, 5% hoặc 10% thì sẽ được trừ thuế GTGT khi bán hàng hóa, dịch vụ. (Tui tạm gọi tắt là loại khấu trừ)

2- Loại 2 là loại khai thuế theo phương pháp trực tiếp (không khấu trừ). Đối loại này khi nhìn trên hóa đơn sẽ không có dòng thuế GTGT. Loại hình này tui cũng tạm gộp chung cho tất cả các cá nhân, hộ kinh doanh, tố chức còn lại không thuộc loại 1. Nói 1 cách đơn giản hơn đó là toàn bộ những người mua, bán hàng hóa, dịch vụ không thuộc loại 1.

Tiêu chí thứ 3 là nguồn gốc sản phẩm

Nguồn gốc sản phẩm

Nguồn gốc sản phẩm được chia thành 2 loại:

1- Từ người sản xuất trực tiếp bán ra (cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp)

2- Từ người kinh doanh (khâu thương mại)

Tới đây tui vẫn chưa nói tới nội dung chính phải không? Và bây giờ là nội dung chính là đây mời quí vị xem nha

Các trường hợp bán hàng

Chỉ đề cập các trường hợp bán sản phẩm chưa chế biến

1- Loại DN khấu trừ bán cho loại DN khấu trừ 

Thuế suất thuế GTGT là 0% và không phải khai thuế GTGT khi bán.

2- Loại DN khấu trừ bán cho loại DN không khấu trừ. (trực tiếp)

Thuế suất thuế GTGT là 5% khi bán.

3- Loại DN không khấu trừ bán cho tất cả các doanh nghiệp (khâu thương mại), loại trừ cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp sản xuất trực tiếp bán ra

Thuế suất thuế GTGT là 1% khi bán thuế GTGT bao gồm trong giá bán.

4- Loại không khấu trừ trực tiếp sản xuất bán ra

Thuế suất thuế GTGT là 0% và không phải khai thuế khi bán.

 

Câu hỏi cần trả lời khi quan tâm đến thuế GTGT của gạo và hàng nông, lâm, hải sản.

1- Một là sản phẩm bạn bán là đã chế biến hay chưa? (Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.”)

2- Hai là người mua sản phẩm của bạn là người nộp thuế kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ hay trực tiếp?

3- Ba là bạn là người nộp thuế kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ hay trực tiếp khi bán sản phẩm nông nghiệp?

Chỉ cần bạn trả lời đủ 3 câu hỏi trên rồi ráp vào dòng chữ nghiêng ở phần trên là bạn sẽ biết chắc chắn thuế suất thuế GTGT mà bạn phải áp dụng là bao nhiêu.

 

Sau đây là 1 số công văn của cơ quan thế trả lời doanh nghiệp:

TỔNG CỤC THUẾ                                       CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CỤC THUẾ TỈNH BÌNH ĐỊNH                                        Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

               ­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­–––––––––­–                                                         ––––––––––––––––––––––––

           Số: 351/CT-TTHT                                                 Bình Định,  ngày 05  tháng 3  năm 2014

V/v thuế GTGT đối với hàng nông sản

                    Kính gửi: Công ty CP Cụm Công nghiệp Cầu Nước Xanh

              Địa chỉ: Block A, Tầng 10, nhà số 02 Chung cư Hoàng Anh Gia Lai,

                                              Quy Nhơn, Bình Định

Cục thuế tỉnh Bình Định nhận được công văn số 01/CV-CNX-2014 ngày 20/02/2014 của đơn vị hỏi về thuế suất thuế GTGT đối với hàng Nông, lâm, thuỷ sản.

Tóm tắt nội dung hỏi như sau:

Đơn vị chúng tôi thu mua sắn lát của nông dân (sắn đã được bóc vỏ, xắt lát, sấy khô) để xuất khẩu trực tiếp; bán lại cho các doanh nghiệp khác để xuất khẩu, để chế biến thành các sản phẩm khác và bán cho các doanh nghiệp, cá nhân mua về làm thức ăn cho gia súc, vật nuôi của mình. Vậy, thuế suất thuế GTGT khi bán mặt hàng sắn lát cho các đối tượng này là bao nhiêu?

Vấn đề này, Cục thuế tỉnh Bình Định trả lời như sau:

Căn cứ Khoản 5, Điều 5, Chương I Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT:

“5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Ví dụ 19:

Công ty lương thực B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thu mua gạo của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì ở khâu thu mua của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì gạo thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Trường hợp Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty XNK C thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty XNK C.

Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty TNHH D (là doanh nghiệp sản xuất bún, bánh phở) thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty TNHH D.

Trên hoá đơn GTGT lập, giao cho Công ty XNK C, Công ty TNHH D, Công ty lương thực B ghi rõ giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Công ty lương thực B bán trực tiếp gạo cho người tiêu dùng thì kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 5% theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Ví dụ 20:

Công ty TNHH A là CSKD nộp thuế theo phương pháp khấu trừ mua cà phê nhân của nông dân trồng cà phê, sau đó Công ty TNHH A bán số cà phê nhân này cho hộ kinh doanh H thì doanh thu của Công ty TNHH A từ bán cà phê nhân cho hộ kinh doanh H áp dụng mức thuế suất 5%.

Ví dụ 21:

Hộ ông X sau khi thu mua lá chè của hộ trồng chè đã bán ra cho hộ ông Y thì hộ ông X phải tính, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu bán lá chè cho hộ ông Y.

Trường hợp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã lập hoá đơn, kê khai, tính thuế GTGT thì người bán và người mua phải điều chỉnh hoá đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản này.”

Căn cứ quy định trên, thì từ ngày 01/01/2014:

– Trường hợp đơn vị là doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ mua  hàng sắn lát (sắn đã được bóc vỏ, xắt lát, sấy khô) để xuất khẩu trực tiếp thì áp dụng mức thuế suất 0% nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 9, Chương II Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

– Trường hợp đơn vị là doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ bán hàng sắn lát (sắn đã được bóc vỏ, xắt lát, sấy khô) cho các đơn vị là doanh nghiệp, Hợp tác xã để xuất khẩu, chế biến thành các sản phẩm khác, làm thức ăn cho gia súc, vật nuôi thì đơn vị không tính thuế GTGT.

– Trường hợp đơn vị bán hàng sắn lát (sắn đã được bóc vỏ, xắt lát, sấy khô) cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% theo quy định trên.

Cục thuế tỉnh Bình Định trả lời để đơn vị được biết và thực hiện./.

Nơi nhận:                                                                                          KT. CỤC TRƯỞNG

– Như trên;                                                                                     PHÓ CỤC TRƯỞNG

– Lãnh đạo Cục;

– Website Cục thuế BDD;                                                                              (Đã ký)

– Lưu: VT, TTHT.

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 76516/CT-TTHT
V/v thuế GTGT đối với sản phẩm nông sản

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2017

Kính gửi: Công ty cổ phần giống cây trồng Trung Ương
Địa chỉ: số 1 phố Lương Định Của, P.Phương Mai, Q.Đống Đa, TP Hà Nội
MST 0101449271

Trả lời công văn số 1090/CV-CTG ngày 08/11/2017 của Công ty cổ phần giống cây trồng Trung Ương (sau đây gọi tắt là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

– Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.

+ Tại Khoản 5 Điều 5 quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

“5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế hiến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

… Ví dụ 19: Công ty lương thực B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thu mua gạo của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì ở khâu thu mua của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì gạo thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT

Trường hợp Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty XNK C thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty XNK C.

Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty TNHH D (là doanh nghiệp sản xuất bún, bánh phở) thì Công ty lương thực B không phải kê khai tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty TNHH D. Trên hóa đơn GTGT lập, giao cho Công ty XNK C, Công ty TNHH D. Công ty lương thực B ghi rõ giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

…Trường hợp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã lập hóa đơn, kê khai, tính thuế GTGT thì người bán và người mua phải điều chỉnh hóa đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản này

+ Tại Khoản 5 Điều 10 quy định thuế suất 5%

“5. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này) ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.

Sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến hướng dẫn tại khoản này bao gồm cả thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, lúa mì.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mua gạo của các doanh nghiệp và hộ nông dân, sau đó Công ty bán gạo cho doanh nghiệp (Doanh nghiệp cung cấp xuất ăn công nghiệp) thì đây là hoạt động kinh doanh sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Trường hợp còn vướng mắc đề nghị đơn vị liên hệ với phòng Kiểm tra thuế số 5 – Cục Thuế TP Hà Nội để được giải đáp.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty được biết và thực hiện./.

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 13091/BTC-TCT
V/v: chính sách thuế GTGT đối với gạo

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2017

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

Bộ Tài chính nhận được công văn số 3408/UBND-TC ngày 25/07/2017 của UBND tỉnh Tiền Giang phản ánh vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực.

Về kiến nghị của UBND tỉnh Tiền Giang liên quan đến chính sách thuế GTGT, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành quy định 03 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%.

Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (theo thông lệ quốc tế).

Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác.

Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam không phân biệt đối tượng, mục đích sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Về chính sách thuế GTGT đối với gạo theo quy định của Luật Thuế GTGT cũng như đối với các hàng hóa nông lâm, thủy hải sản khác các như sau:

Tại khoản 1 Điều 5 Luật thuế GTGT quy định “sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu “ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT;

Tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT quy định “sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này“ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%;

Tại khoản 1 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế quy định “Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. 

Căn cứ các quy định nêu trên thì:

– Gạo của tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, phù hợp với thực tế hầu hết nông dân không thực hiện hạch toán kế toán, lưu giữ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ khi mua hàng hóa, dịch vụ không thể áp dụng kê khai, khấu trừ và tính nộp thuế GTGT đối với sản xuất gạo cũng như các hàng hóa nông lâm, thủy hải sản khác.

– Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho sản xuất lúa gạo không được khấu trừ mà phải tính vào chi phí. Do vậy Luật thuế GTGT quy định các hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho sản xuất lúa gạo đều được quy định không chịu thuế GTGT (phân bón, giống, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tưới, tiêu nước, cày, bừa đất, nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp,…) hoặc áp dụng thuế suất thấp 5% (đào đắp nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp,…) đã khuyến khích sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất lúa gạo.

– Gạo bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Như vậy, trong khâu sản xuất xay xát, gạo không chịu thuế GTGT (không có thuế GTGT đối với gạo), doanh nghiệp sản xuất gạo không những không phải ứng vốn để trả thuế GTGT khi mua gạo mà còn không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã (giảm thủ tục hành chính, chi phí trong kê khai, nộp thuế GTGT); và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản xuất, kinh doanh gạo làm hạ giá thành gạo tại các khâu thương mại trung gian, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

– Gạo do doanh nghiệp sản xuất kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ tại khâu cuối bán lẻ trực tiếp hoặc bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì mới phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%. Đây là mức thuế suất ưu đãi so mức thuế suất 10% thông thường. Cơ sở sản xuất, kinh doanh bán lẻ gạo được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào phát sinh trong khâu bán lẻ bảo đảm giá cả thấp, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

– Gạo xuất khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0%, cơ sở kinh doanh xuất khẩu gạo được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào của gạo xuất khẩu theo quy định, qua đó giúp sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Như vậy chính sách thuế GTGT đối với gạo cũng như đối với các hàng hóa nông lâm, thủy hải sản khác đang được ưu đãi ở mức cao nhất. Chính sách này cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hơn là tư thương bán buôn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần qua đó trở thành đầu mối sản xuất, kinh doanh gạo.

Hơn nữa, việc mua gạo tư thương tại các chợ truyền thống cũng như những thực phẩm khác thực tế là do thói quen của người dân và giá bán gạo của doanh nghiệp chưa cạnh tranh bằng giá của hộ tư thương cơ bản không có nguyên nhân từ áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 5%. Mặt khác, với giá gạo mua từ người nông dân giữa doanh nghiệp và hộ tư thương như nhau thì về nguyên tắc, giá thành gạo của doanh nghiệp cần thấp hơn của hộ tư thương do quy mô lớn hơn, năng suất (xay xát, đánh bóng, đóng gói) cao hơn. Bên cạnh đó còn mức lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, dù định mức thấp hơn thì doanh nghiệp vẫn có khả năng đạt quy mô lợi nhuận lớn hơn.

Từ những nội dung trên, ý kiến cho rằng mức chênh lệch giá là do việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với doanh nghiệp trong khi tư thương bán buôn nộp mức thuế khoán 1% trên doanh thu, dẫn đến doanh nghiệp bất lợi trong cạnh tranh tiêu thụ gạo nội địa, khó xây dựng được thương hiệu gạo trong khi các hàng hóa nông lâm, thủy hải sản khác cùng áp dụng chính sách thuế GTGT mà không gặp khó khăn như gạo là chưa phù hợp với thực tế.

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 (điểm a khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định số 732/QĐ-TTG ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ) thì nội dung cải cách thuế GTGT là “Sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu) “.

Do vậy việc kiến nghị sửa đổi thuế suất thuế GTGT đối với doanh nghiệp kinh doanh lương thực nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán gạo cho các đối tượng không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 1% không phù hợp với Chiến lược cải cách thuế GTGT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (hiện hành gạo cùng những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác đều được áp dụng thuế suất 5% trong khi hàng hóa thông thường chịu thuế suất 10%).

Cũng về nội dung này, Bộ Tài chính đã có công văn số 7476/BTC-CST ngày 08/6/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế GTGT đối với gạo, theo đó Bộ Tài chính đề nghị chính sách thuế GTGT đối với gạo thực hiện theo quy định hiện hành. Tại công văn số 4944/VPCP-KTTH ngày 29/6/2015 của VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính trả lời để UBND tỉnh Tiền Giang thông báo cho doanh nghiệp được biết./.

 

 

Nơi nhận:
– Như trên;
– TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
– Vụ CST, PC- BTC;
– Vụ PC- TCT;
– Lưu: VT, TCT (VT, CS (32b)).

TLBỘ TRƯỞNG
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG 


 

Cao Anh Tuấn

0903873183