Thuế suất thuế GTGT hàng nông sản.
Lĩnh vực thuế được nhiều người quan tâm nhất cho đến thời điểm hiện nay vẫn là các loại thuế áp dụng đối với hàng nông, lâm, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
Chỉ riêng cụm danh từ “chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường” thôi đã đủ rắc rối cho người nộp thuế. Nhiều người rất mơ hồ với danh từ trên. Với đề không phải là họ không hiểu câu chữ trong cụm danh từ trên mà là họ không phân biệt được như thế nào là chưa chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
Có lẽ câu chuyện này cũng sẽ tiếp tục có những thắc mắc và hiểu nhầm về cụm danh từ trên.
Trong thời gian vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý thuế gặp nhiều vấn đề bất cập trong việc kê khai, áp dụng thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt tiêu thụ nội địa.
Doanh nghiệp cứ nộp rồi hoàn thuế gây tốn kém nhân lực cho cả doanh nghiệp và nhà nước trong khi đó lại xuất hiện những DN gian lận trong khâu trung gian để chiếm đoạt tiền thuế.
Khắc phục tình trạng này, Nhà nước có thay đổi phương thức quản lý thuế trong Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Tuy nhiên, việc áp dụng còn nhiều vấn đề bị hiểu sai lệch, do vậy cần tìm hiểu kỹ lưỡng những quy định của pháp luật.
Trước ngày 01/01/2014, theo quy định của Luật thuế GTGT năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt tiêu thụ nội địa chỉ bao gồm 3 trường hợp sau đây:
1. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật thuế GTGT năm 2008: Sản phẩm chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
2. Nếu là sản phẩm chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% theo quy định tại Khoản 2(đ) Điều 8 Luật thuế GTGT năm 2008.
3. Nếu là sản phẩm đã qua chế biến thì thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật thuế GTGT năm 2008.
Với quy định trên thì kể từ năm 2013 trở về trước khi xác định các mức thuế suất thuế GTGT khác nhau (5%, 10% hoặc không chịu thuế GTGT) đối với hàng nông, lâm, thủy sản tiêu thụ nội địa chỉ cần xem xét đến 2 yếu tố cơ bản liên quan đến hàng hóa là:
a – Sản phẩm bán ra của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra hoặc nhập khẩu ở khâu ban đầu hay ở khâu kinh doanh thương mại;
b – Sản phẩm đã qua chế biến hay chưa qua chế biến.
(đến đây mọi người đều thấy ổn khi áp dụng)
Để khắc phục hạn chế của quy định trước đây tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 209) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 quy định:
“3. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng:
.. “đ) Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng”.
Đây là một quy định mới bổ sung về chính sách thuế GTGT đối với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản so với các quy định trước đây tại Luật thuế GTGT năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Với quy định mới tại Khoản 3(đ), Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP nêu trên cũng như các hướng dẫn thực hiện mới đây của Bộ Tài chính tại công văn số 385/BTC-CST ngày 09/01/2014 thì kể từ ngày 01/01/2014 việc áp dụng các mức thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt tiêu thụ nội địa như sau:
(i) Hàng hóa không chịu thuế GTGT:
Áp dụng đối với sản phẩm chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. (tóm tắt: nguồn từ tự sản xuất)
(ii) Hàng hóa không phải kê khai tính nộp thuế GTGT:
Áp dụng đối với sản phẩm chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế theo phương pháp khấu trừ ở khâu kinh doanh thương mại. (tóm tắt: DN KK khấu trừ bán cho DN KK khấu trừ ở khâu lưu thông thương mại)
(iii) Hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%:
Áp dụng đối với sản phẩm chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho các đối tượng khác như: hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại. (DN KK khấu trừ bán cho DN kk trực tiếp kể cả cá nhân không MST)
(iv) Hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%:
Áp dụng đối với sản phẩm đã qua chế biến thành các sản phẩm khác của doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán ra ở khâu kinh doanh thương mại.
(v) Hàng hóa phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu:
Áp dụng đối với sản phẩm do các hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bán ra ở khâu kinh doanh thương mại (không phân biệt sản phẩm đã qua chế biến hay chưa qua chế biến).
xem video đã tổng kết thành công thức tính thuế GTGT hàng nông sản
Như vậy, theo các quy định mới thì kể từ 01-01-2014 khi xác định các mức thuế suất thuế GTGT khác nhau (5%, 10%, không chịu thuế GTGT hoặc không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT) đối với hàng nông, lâm, thủy sản tiêu thụ nội địa cần xem xét đến 4 yếu tố cơ bản liên quan đến hàng hóa là:
1 – Sản phẩm bán ra ở giai đoạn ban đầu tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra hoặc nhập khẩu hay ở giai đoạn kinh doanh thương mại;
2 – Sản phẩm đã qua chế biến hay chưa qua chế biến;
3 – Sản phẩm do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán ra hay do tổ chức, cá nhân khác nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp bán ra;
4 – Sản phẩm được bán ra cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hay bán ra cho các tổ chức, cá nhân khác nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.
Giải quyết hàng tồn kho đến 31-12-2013
Năm 2013 Doanh nghiệp đã được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa tồn kho thời kỳ hoàn từ tháng 09/2013 đến tháng 11/2013. Đến tháng 01/2014 vẫn còn hàng hóa tồn kho chưa xuất hết.
Vậy sau thời điểm này khi doanh nghiệp xuất kho bán hàng phải chú ý kê thuế theo hai trường hợp:
Một là:
Thuế suất của những mặt hàng này vẫn là 5% khi nó được bán đến tay người tiêu dùng hoặc cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp.
Hai là:
Sẽ không tính thuế, khai thuế, nộp thuế nếu mặt hàng này chưa đến tay người tiêu dùng trực tiếp mà được mua/bán giữa các DN (và, hoặc HTX) nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ . Nói một cách khác, trong giai đoạn này mặt hàng này chưa có thuế.
Trong trường hợp trên thuế GTGT đầu vào của hàng hoá nông sản còn trong kho và đã được khấu trừ/hoàn thuế hết, nghĩa là hàng trong kho chưa có thuế, tương tự trường hợp hàng mua vào của người trực tiếp sản xuất bán ra hoặc mua của DN/HTX nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Những hàng hoá này khi bán ra thì tuỳ thuộc người mua là đối tượng nào để thực hiện kê thuế đúng theo quy định pháp luật.
Những quy định pháp luật mới trên đây hết sức phức tạp có liên quan trực tiếp đến việc xác định thuế suất, kê khai nộp thuế, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực mua bán, sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ khâu khai thác, sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt đến khâu kinh doanh thương mại. Người nộp thuế cần nghiên cứu nắm bắt kịp thời để đảm bảo cho việc kê khai nộp thuế GTGT được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Chúc Quí vị thành công!